1. Khái niệm công chứng
Hoạt động công chứng xuất hiện tại Việt Nam từ khá lâu và được
ghi nhận lần đầu tiên vào thời kỳ Pháp thuộc. Sau cách mạng tháng tám năm 1945
và khi đất nước thống nhất thì các chế định về công chứng và hoạt động công chứng
đã có nhiều sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy trải
qua nhiều thời kỳ, nhiều văn bản điều chỉnh khác nhau nhưng trong các nội dung
chỉ quy định chung về hoạt động công chứng, chứng nhận, chứng thực mà không nêu
rõ thế nào là công chứng, là chứng nhận, là chứng thực.
Hiện nay, hoạt động công chứng chịu sự điều chỉnh của Luật
Công chứng năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, theo đó,
"Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng
chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn
bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ,
văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng
Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự
nguyện yêu cầu công chứng". Có thể thấy, khái niệm công chứng bao gồm các
yếu tố sau đây:
Thứ nhất, người có thẩm quyền thực hiện công chứng phải là
công chứng viên, bởi họ là những người được Nhà nước trao quyền thực hiện chức
năng công chứng thông qua việc bổ nhiệm công chứng viên của Bộ Tư pháp.
Thứ hai, công chứng là việc chứng nhận tính xác thực, hợp
pháp của hợp đồng, giao dịch. Trong đó, tính hợp pháp nghĩa là không trái với
các quy định pháp luật. Tính xác thực theo một số nghiên cứu được chia thành ba
cấp độ khác nhau, bao gồm:
(i) Xác định đúng người: Nghĩa là xác định đúng người yêu cầu
công chứng thông qua giấy tờ tùy thân của họ. Đồng thời, xác định họ phải trong
trạng thái tinh thần thoải mái, tự nguyện, không chịu bất kỳ một sức ép nào từ
phía bên ngoài và họ hoàn toàn ý thức được hậu quả việc làm của mình.
(ii) Xác định đúng việc: Người yêu cầu công chứng phải xuất
trình đủ các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đó.
(iii) Xác định bản chất thực của các hợp đồng, giao dịch:
Công chứng viên phải xác định xem những thoả thuận của các bên đương sự có phản
ánh đúng ý chí, nguyện vọng của họ hay không, các thoả thuận này có nhằm che giấu
bất kỳ một mục đích nào khác hay không.
Thứ ba, hợp đồng, giao dịch được công chứng phải là các hợp
đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng hoặc là các hợp đồng, giao dịch không
bắt buộc phải công chứng nhưng do các bên yêu cầu công chứng nên công chứng
viên thực hiện công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch đó.
Thứ tư, việc công chứng chỉ được thực hiện đối với các hợp đồng,
giao dịch, giấy tờ, tài liệu bằng văn bản. Bởi lẽ, theo pháp luật hiện hành,
công chứng viên không được công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch là lời
nói, hành vi cụ thể mà phải được thể hiện ở dạng văn bản.
Thứ năm, hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng
cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải
chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. Như vậy, khi hợp đồng,
giao dịch đã được công chứng thì về nguyên tắc những tình tiết, sự kiện trong hợp
đồng không cần phải chứng minh và đương nhiên có giá trị chứng cứ đối với các
bên, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
2. Khái niệm chứng thực
Bên cạnh hoạt động công chứng, hoạt động chứng thực cũng được
pháp luật ghi nhận, điều chỉnh bởi những văn bản chuyên ngành. Tuy trải qua nhiều
thời kỳ với các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng cho đến thời điểm hiện
nay chưa có quy định nào chính thức khái niệm, định nghĩa thế nào là chứng thực.
Theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ
sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng,
giao dịch (Nghị định 23/2015/NĐ-CP) thì
hoạt động chứng thực gồm có: Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Nội dung quan trọng nhất của Nghị định này
là điều chỉnh về hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch. Theo đó "chứng
thực hợp đồng, giao dịch" là việc
cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian,
địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện,
chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Theo quy định
của pháp luật về chứng thực hợp đồng, giao dịch thì người yêu cầu chứng thực phải
hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch
còn người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết
hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm
chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
3. Phân biệt công chứng với chứng thực
a. Sự giống nhau giữa công chứng và chứng thực
- Công chứng, chứng thực là hoạt động dịch vụ công, được nhà
nước uỷ quyền và do những người có thẩm quyền theo quy định pháp luật thực hiện.
- Người yêu cầu công chứng, chứng thực đều phải đóng phí
theo khung quy định của pháp luật.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng hoặc được chứng thực đều
có giá trị pháp lý và ràng buộc trách nhiệm đối với các bên tham gia hợp đồng,
giao dịch.
- Việc công chứng, chứng thực phải tuân theo trình tự, thủ tục
theo quy định pháp luật.
Có thể bạn quan tâm: Giấy tờ công chứng tư nhân có được công nhận?
b. Sự khác nhau giữa công chứng và chứng thực
- Về bản chất: Công chứng là chứng nhận tính xác thực, hợp
pháp của hợp đồng, giao dịch; còn chứng thực là chứng thực về thời gian, địa điểm
giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký
hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
- Về cơ quan thực hiện: Đối với công chứng thì cơ quan thực
hiện là phòng công chứng, văn phòng công chứng; còn đối với chứng thực thì đó
là phòng tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Về người có thẩm quyền: Đối với công chứng thì người có thẩm
quyền là công chứng viên; đối với chứng thực thì đó là trưởng phòng, phó phòng
tư pháp cấp huyện; chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Về trách nhiệm của người thực hiện: Đối với công chứng thì
công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng,
giao dịch; còn đối với chứng thực thì người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn
chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; tính hợp lệ,
hợp pháp của các giấy tờ; người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời
gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự
nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
- Về giá trị pháp lý văn bản được công chứng, chứng thực: Đối
với công chứng thì hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những
tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng
minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. Còn đối với chứng thực thì hợp
đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa
điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự
nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
- Về trách nhiệm bồi thường: Đối với công chứng thì tổ chức
hành nghề công chứng phải bồi thường cho người yêu cầu công chứng; công chứng
viên phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi
trả khoản tiền bồi thường. Còn đối với chứng thực thì người thực hiện chứng thực
gây thiệt hại thì sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Về pháp luật điều chỉnh: Đối với công chứng thì pháp luật
điều chỉnh là Luật Công chứng năm 2014; còn đối với chứng thực thì đó là Nghị định
23/2015/NĐ-CP.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét